Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Công nghệ an toàn có thể vô dụng vì tài xế Việt không hiểu rõ

Những công nghệ mới trên ôtô hiện đại ngày nay có thể khiến không ít tài xế thấy bối rối, thậm chí "tắt cho đỡ phức tạp", vô tình làm giảm độ an toàn của chiếc xe.  

Công nghệ an toàn có thể vô dụng vì tài xế Việt không hiểu rõ

Một số tính năng tự động giúp xe trở lại làn nếu bắt đầu có hiện tượng văng bánh, hoặc tự động phanh nếu các cảm biến phát hiện khả năng có ai đó "ôm hôn thân mật" từ phía sau. Các công nghệ như kiểm soát hành trình chủ động, hiển thị áp suất lốp hay camera lùi đang ngày càng trở nên phổ biến. Bạn hiểu thế nào về những công nghệ dưới đây?

Kiểm soát độ bám đường

Hệ thống kiểm soát độ bám đường sẽ giảm năng lượng truyền tới các bánh, bằng cách phanh, khi thấy có hiện tượng trượt. Xe sẽ phanh riêng biệt theo từng bánh để sao cho mức độ bám đường tổng thể ở mức tối đa.

Kiểm soát độ bám đường đặc biệt hữu ích khi đi qua bề mặt đường trơn trượt. Hệ thống phát hiện sự khác biệt tốc độ bánh trước và sau- nếu bánh sau quay nhanh hơn bánh trước, có nghĩa là bánh sau đã mất ma sát, hệ thống sẽ giảm công suất động cơ hoặc cắt hoàn toàn cho đến khi bánh sau đạt đủ độ bám đường. Tắt "Traction Control" trong trường hợp này, có nghĩa bạn tăng khả năng trượt của xe, và giảm độ an toàn của mình và người đi cùng.

Cảnh báo điểm mù

Tính năng phát hiện điểm mù từng bị chỉ trích bởi không hiệu quả, nhưng hệ thống này đều có những giá trị xứng đáng với việc trả thêm tiền. Trong vài ứng dụng, hệ thống cảnh báo điểm mù sẽ quan sát xa hơn về phía sau để phát hiện những xe đang tiến sát bạn với tốc độ cao hơn xe của bạn, cảnh báo bạn nếu ai đó đang "bay" tới ở làn đường mà bạn định đi vào.

Sử dụng radar và camera, hệ thống này sẽ bật sáng đèn hoặc biểu tượng hoặc hình tam giác trên gương chiếu hậu ngoài để cảnh báo rằng xe khác đang chạy tới, có thể nằm trong phạm vi khuất tầm nhìn của tài xế. Nhiều hệ thống còn phát âm thanh cảnh báo nếu bạn tìm cách chuyển hướng hoặc bật xi-nhan cho thấy bạn đang "cãi lại" hệ thống. Thậm chí có hệ thống tiên tiến còn tự động phanh hoặc đánh lái đưa xe trở về giữa làn. 

Thực tế, điểm mù của một chiếc xe hơi rất rộng, đủ cho xe 2 bánh và ôtô lọt vào mà bạn không phát hiện ra cho đến khi một tiếng "rầm" vang lên. Với xe không trang bị hệ thống này, tài xế phải thường xuyên kiểm tra điểm mù, đặc biệt khi chuyển làn và quay đầu xe. Với những xe trang bị, hệ thống thường hiển thị cảnh báo trên gương chiếu hậu bên ngoài. Tính năng này xứng đáng được đánh giá cao khi mua xe.

Cảnh báo chệch làn và hỗ trợ giữ làn đường

Cảnh báo chệch làn sẽ "lên tiếng" nếu bạn lái chiếc xe ra khỏi làn mà không bật đèn xi-nhan. Sử dụng camera hoặc laser để nhận diện vạch kẻ đường, hệ thống có thể phát ra âm thanh, hoặc nháy đèn, và/hoặc rung vô-lăng hoặc ghế lái.

Nhằm phát hiện khi bạn rời khỏi làn đang đi, công nghệ hỗ trợ giữ làn tự động nhẹ nhàng chỉnh vô-lăng để đưa bạn trở lại đúng làn.

Khi biểu tượng này bật sáng tức là bạn đang có vấn đề không giữ xe chạy đúng làn mà chệch sang làn bên cạnh, có thể gây ra tai nạn. Tính năng đáng giá này nhiều khi không được các tài xế đánh giá đúng tầm quan trọng. Thậm chí tại Mỹ, theo kết quả khảo sát của tạp chí danh tiếngConsumer Reports công bố hồi đầu năm 2016, có tới hai phần ba chủ xe "tắt béng" tính năng này đi trên những xe mà LDW có thể tắt/bật.

Móc cài ghế trẻ em

Móc cài ghế trẻ em là tiêu chuẩn quốc tế trên ôtô con để đảm bảo ghế trẻ em được cài đặt dễ dàng và chắc chắn hơn. Hệ thống gồm móc cài nằm thấp hơn móc khóa dây bảo hiểm thông thường ở ghế xe cùng móc cài trên cao. 

Hiện nhiều người Việt chưa quan tâm đúng mức tới thiết bị an toàn này. Trẻ em đi ôtô thường được người lớn bế trong lòng, hoặc tự ngồi mà không có ghế riêng, và thậm chí không cả thắt dây an toàn. Ghế trẻ em sẽ rất hữu dụng, đặc biệt khi được lắp đặt đúng cách giúp bảo vệ trẻ em trong những trường hợp xe bị va chạm.

Cảnh báo áp suất lốp TPMS

Hệ thống cảnh báo áp suất lốp (TPMS) là thiết bị cảm biến tinh vi được thiết kế để đo lường và hiển thị áp suất lốp xe theo thời gian thực. Nó cảnh báo cho người lái ngay lập tức bất kỳ thay đổi bất thường nào của nhiệt độ hoặc áp suất lốp cho dù xe di chuyển hay đang đỗ.

Ở Việt Nam chỉ những xe dòng cao cấp mới được trang bị hệ thống cảnh báo áp suất lốp. Đối với những xe không có, người dùng có thể lắp thêm. Thiết bị này khá đa dạng trên thị trường với nhiều giá và chất lượng khác nhau. Hiện ngày càng nhiều người sử dụng ôtô ở Việt Nam quan tâm tới thiết bị này và sẵn sàng trả tiền để trang bị cho xe của mình.

Cảm biến áp suất được gắn trên từng bánh (thường nằm ở vị trí van) và chịu trách nhiệm gửi thông tin về màn hình hiển thị của TPMS hoặc kết nối với điện thoại di động.

Cảm biến khoảng cách và cảm biến lùi

Cảm biến khoảng cách sẽ cảnh báo khả năng va chạm với người, xe cộ xung quanh. Cảm biến lùi giúp cảnh báo vật cản phía sau ngoài tầm quan sát của tài xế.

Với tình hình giao thông đông đúc như ở Việt Nam, không ít tài xế cảm thấy phiền phức khi lái xe với cảm biến khoảng cách, bởi thiết bị liên tục phát âm thanh có thể gây khó chịu đặc biệt khi gặp tắc đường. 

Cảm biến khoảng cách và cảm biến lùi đều có thể vô hiệu hóa, có thể bằng một nút bấm. Nhưng tính năng này được sinh ra nhằm giúp bạn lái xe an toàn hơn, vì thế không nên vô hiệu hóa.

Theo VnExpress.net)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người đẹp khoe sắc ở giải đua môtô châu Á

  Dàn chân dài xuất hiện cùng các tay lái trước mỗi lần xuất phát là điểm nhấn thu hút khán giả bên cạnh các màn so kè tốc độ nảy lửa. Ngày ...